Như chúng ta đã biết, cung – cầu là quy luật bất biến mà bất cứ thị trường nào cũng tuân theo, và Bitcoin hay thị trường tiền điện tử cũng vậy!
Trong bài viết này sẽ phân tích ảnh hưởng của yếu tố “cung”, hay còn được hiểu là nguồn cung BTC trong thị trường Crypto. Hãy cùng theo dõi nhé!
Nguồn cung BTC là gì?
1. Nguồn cung BTC là gì?
Tương tự như cung tiền trong thị trường tài chính truyền thống, nguồn cung BTC chính là yếu tố “cung” trong quy tắc cung – cầu mà chúng ta đã đề cập ở trên.
Tuy nhiên, không giống như trong thị trường tiền pháp định, nguồn cung trong thị trường tiền điện tử (hay thị trường phi tập trung) không được quản lý hay điều chỉnh bởi bất kỳ cơ quan pháp quyền nào.
Thay vào đó, chúng được kiểm soát bởi các nodes trong hệ thống ngang hàng (peer-to-peer network) và các quy tắc nhất định, bất cứ ai không tuân theo quy tắc sẽ bị loại khỏi hệ thống theo cơ chế sẵn có.
Theo cơ chế hoạt động, Bitcoin được tạo ra khi người dùng phát hiện ra khối mới (mining). Tốc độ tạo khối cũng tự điều chỉnh, thông qua hashrate, để đạt được tốc độ ổn định.
Bên cạnh đó, số lượng BTC tối đa bị giới hạn ở mức 21 triệu và bị giới hạn phần thưởng khối theo cơ chế halving. Hiện nay, thị trường Crypto đã trải qua Halving lần 3 vào tháng 05/2020, với phần thưởng khối giảm xuống còn 6,25 BTC.
2. Các yếu tố ảnh hưởng đến nguồn cung BTC
Như chúng ta đã biết, nguồn cung BTC bị giới hạn ở con số 21 triệu; tuy nhiên, đây là nguồn cung tối đa trong điều kiện cực kỳ lý tưởng. Trong thực tế, tổng cung BTC không thể đạt được con số này do bị phá huỷ bởi nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Hơn nữa, nguồn cung BTC cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác. Các yếu tố quyết định đến tốc độ cung, số lượng cung cũng khác nhau trong những khoản thời gian khác nhau. Đồng thời, dựa vào nguồn cung BTC, traders cũng có thể đoán được tâm lý của thị trường, đặc biệt là thợ đào.
2.1. Yếu tố con người
Đối với một số người, việc đào coin cũng là một con đường đầu tư kiếm lời bằng việc đầu tư chi phí (máy đào, điện, v.v…) và công sức (độ khó) để nhận phần thưởng khối. Đối với thợ đào, họ cũng sẽ tính toán chi phí và lợi nhuận để đưa ra quyết định; và sẵn sàng rời bỏ hệ thống nếu phần thưởng khối thấp hoặc không tương xứng với chi phí (bao gồm chi phí và công sức).
Theo số liệu từ Blockchain.com, thu nhập của thợ đào cũng tỉ lệ theo giá Bitcoin trong từng giai đoạn. Như vậy, nguồn cung BTC cũng bị ảnh hưởng bởi nguyên tắc cung – cầu trong thị trường. Nguyên tắc này sẽ ảnh hưởng đến giá BTC; đến lợi nhuận của thợ đào; và cuối cùng là nguồn cung BTC.
Mối quan hệ giữa thu nhập của thợ đào và giá Bitcoin – Nguồn: Blockchain.com
2.2. Yếu tố kỹ thuật
Các yếu tố kỹ thuật được liệt kê như độ khó (difficulty), tỷ lệ băm (hashrate), và mức độ xử lý của máy đào. Các yếu tố này sẽ dao động và phụ thuộc vào thị trường để điều chỉnh hệ thống phù hợp.
Việc điều chỉnh độ khó và tỷ lệ băm là cơ chế sẵn có của hệ thống để duy trì mạng lưới dưới tác động của giá BTC và sự tham lam của thợ đào. Độ khó càng cao làm việc đào coin mất nhiều công sức hơn. Thông thường, khi thị trường tăng giá, nhiều người có mong muốn tham gia đào coin sẽ làm độ khó tăng lên để duy trì tốc độ ổn định cho mạng lưới. Hiện tại, tốc độ đào sẽ được điều chỉnh ở mức 10 phút/ khối.
Mối quan hệ giữa giá coin và độ khó theo thời gian – Nguồn: digitalik.net
Ngoài ra, do tính chất không-thể-chỉnh-sửa của mạng lưới Bitcoin, số lượng BTC bị thất thoát trên hệ thống do các sơ suất về mặt kỹ thuật như điền sai địa chỉ ví, mất địa chỉ ví, v.v… làm nguồn cung BTC trên lý thuyết và thực tế khác nhau.
Hiện tại, số lượng BTC trên hệ thống đang ở mức 18,478 triệu (05/07/2020), tương đương với 638,265 blocks. Con số này sẽ thay đổi vào mỗi 10 phút, khi khối Bitcoin mới được tạo ra. Để theo dõi nguồn cung hiện tại, mọi người có thể tham khảo từ các website phân tích như Blockchain.com, digitalik.net, glassnode, v.v….
Nguồn cung Bitcoin theo thời gian – Nguồn: Glassnode
Mối quan hệ giữa nguồn cung BTC và giá Bitcoin
1. Mối quan hệ cung – cầu
Trong kinh tế học, quan hệ cung – cầu được xem là yếu tố cốt lõi của thị trường dựa vào sự cân bằng của các bên. Nếu cung lớn hơn cầu, hoặc ngược lại, thị trường sẽ có sự điều chỉnh đến khi chúng quay về vị trí cân bằng.
Trạng thái cân bằng cung – cầu của thị trường
Trong thị trường tiền điện tử, đường cung (supply) có thể được hiểu nguồn cung BTC mà chúng ta đã đề cập ở phần trên. Như vậy, giá càng tăng thì lượng cung sẽ càng tăng.Tương tự đối với thị trường tiền điện tử, sự thay đổi về giá là biểu hiện theo quy tắc cung cầu:
- Cung tăng, cầu không đổi → Giá giảm do thặng dư hàng hoá
- Cung giảm, cầu không đổi → Giá tăng do thiếu hụt hàng hoá
Mối quan hệ giữa nguồn cung và giá BTC – Nguồn: Medium
Tuy nhiên, nguồn cung BTC thực tế trong thị trường không giống với số coin được khai thác trên biểu đồ. Vì vậy, giá BTC cũng sẽ có sự dao động phụ thuộc vào nguồn cung như việc các thợ đào đồng loạt rút khỏi hệ thống sau sự kiện Halving lần 3 đã làm nguồn cung BTC trong ngắn hạn giảm đi đáng kể; v.v…
2. Case studies: Nguồn cung của Bitcoin qua một số sự kiện
Qua những nội dung đã đề cập ở trên, chúng ta cũng đã phần nào nắm được nguyên tắc hoạt động của cung – cầu trong thị trường tài chính. Còn bây giờ, hãy cùng tham khảo các ví dụ điển hình để xem độ mức độ ảnh hưởng nguồn cung đến giá Bitcoin nhé!
Sự kiện 1: Các thợ đào đồng loạt rút khỏi hệ thống sau Halving
Sau sự kiện Halving lần 3 vào tháng 05/2020 làm phần thưởng khối giảm đi một nửa, kéo theo doanh thu của thợ đào cũng giảm xuống; một số lượng lớn thợ đào phải tạm đóng máy do lợi nhuận thu được không đủ để bù cho chi phí.
Trước tình hình đó đó, hệ thống cũng đã giảm 36% hashrate và điều chỉnh độ khó theo quy luật được lập trình. Tuy nhiên, không như những lần trước, tỷ lệ băm giảm trong lần này vẫn không làm giá Bitcoin giảm theo.
Hashrate giảm mạnh sau Halving lần 3 – Nguồn: Glassnode
Để lý giải điều này, một số nhà phân tích cho rằng mặc dù tỷ lệ băm giảm làm cho việc khai thác trở nên dễ dàng hơn, việc giá điện ngày càng tăng và phần thưởng khối giảm khiến việc khai thác cũng không dễ dàng hơn là bao.
Sự kiện 2: Các thợ đào bán nhiều hơn số coins họ thu được
Vào ngày 23/06, khối lượng coin ròng (net volume) của các thợ mỏ giảm ở mức thấp nhất kể từ tháng 06/2019.
Mối quan hệ giữa khối lượng ròng và giá BTC – Nguồn: Glassnode
Trong sự kiện lần này, Tuur Demeester – nhà sáng lập Adamant Capital – đã cho rằng:
”Những miners lớn đang giữ coin, những miners nhỏ lại còn rất ít BTC để bán. Vì thế, giá sẽ tăng.”
So sánh với sự kiện tương tự trong quá khứ, hiện tượng này khá giống với sự kiện xảy ra vào tháng 12/2018. Khi đó, tổng thu nhập của miners tăng cao làm tăng số người tham gia vào hệ thống. Từ đó, độ khó khai thác liên tục điều chỉnh do lượng cung vẫn đang ở mức cao, làm giá tăng trong thời gian trên.
Như vậy, nguồn cung BTC có thể được xem là yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến giá Bitcoin. Nếu bạn là nhà đầu tư trong thị trường tiền mã hoá, theo dõi nguồn cung BTC và các yếu tố ảnh hưởng đến nguồn cung sẽ là “hint” quan trọng trong việc đưa ra quyết định đầu tư của bạn.
Bạn đã từng theo dõi nguồn cung BTC chưa? Hãy chia sẻ kinh nghiệm của bạn dưới phần bình luận của bài viết nhé!
Theo Remitano