Crowdfunding – Gây quỹ cộng đồng là gì?
Nếu các bạn có xem các chương trình Khởi nghiệp hay Thương Vụ Bạc Tỷ (Shark Tank) thường thấy rằng những ai muốn khởi nghiệp thường chọn 1 nhà đầu tư nào đó cho sản phẩm của họ.
Tuy nhiên với hình thức Gây quỹ cộng đồng (crowdfunding) thì hoàn toàn khác, bạn sẽ có thể kêu gọi vốn bởi tất cả mọi người trên thế giới thông qua các trang gây quỹ.
Hiện nay có hai trang gây quỹ lớn nhất và phổ biến nhất là Indiegogo và KickStarter. Hai trang này thường được các công ty khởi nghiệp sử dụng để kêu gọi vốn đầu tư cho sản phẩm mới của họ.
Các dự án trên các trang gây quỹ rất đa dạng trên mọi lĩnh vực của cuộc sống: Xã hội, Nghệ thuật, Phim ảnh, Game, Khoa học, Công nghệ, Tranh ảnh, Đồ ăn thức uống, du lịch, …trong khuôn khổ bài viết này chủ yếu sẽ nói về các dự án trên mảng Công nghệ.
Khác biệt giữa Indiegogo và Kickstarter
Cả 2 trang gây quỹ trên đều có chung mục đích giúp Chủ dự án và người đầu tư thấy nhau nhưng nó có một chút điểm khác biệt cho cách vận hành trên mỗi trang.
Indiegogo (IGG)
– Chủ dự án (campainger): Indiegogo sẽ lấy 5% phí trong tổng số tiền được gây quỹ, bên cạnh các phí giao dịch thanh toán khác. Sẽ có 2 loại dự án trên Indiegogo:
-
- Fixed funding (fixed goal): Các dự án có số tiền gây quỹ cố định. Thường dành cho các dự án gây quỹ với số tiền nhỏ. Nếu gây quỹ thành công thì mới nhận được Quỹ và bị tính phí cho IGG, ngược lại không mất đồng nào cho IGG.
- Flexible funding (flexible goal): Các dự án có số tiền gây quỹ linh động, bạn có thể thay đổi để đặt được mục đích đầu tư. Với loại này, bạn vẫn có thể giữ được tất cả số tiền đã được đầu tư thậm chí nó không thành công.
– Người đầu tư (backer):
- Fixed funding: Bạn sẽ không mất một đồng nào nếu như Dự án gây quỹ không thành công. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro cho người đầu tư
- Flexible funding: Rủi ro cho người đầu tư sẽ cao hơn vì chủ dự án có toàn quyền với Quỹ của bạn kể cả nó không thành công. Nếu họ là đàng hoàng họ sẽ hoàn tiền lại cho bạn hay dùng một phương án nào đó thay thế cho số tiền bạn đã “lỡ” đầu tư.

Kickstarter (KS)
– Chủ dự án (campainger): KickStarter sẽ lấy 5% phí trong tổng số tiền đã gây quỹ thành công, bên cạnh các phí giao dịch thanh toán khác. Nếu như dự án không đạt được Số tiền đưa ra ban đầu thì không mất phí gì cả. Họ gọi các dự án này là All or Nothing – Được ăn cả, ngã về không!
– Người đầu tư (backer): Bạn sẽ không mất một đồng nào nếu như Dự án gây quỹ không thành công. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro cho người đầu tư

Bạn được gì khi tham gia gây quỹ
Hầu hết những sản phẩm rất khác biệt và độc đáo
Các sản phẩm trên các trang gây quỹ luôn là những sản phẩm mang tính đột phá và khác biệt. Nó luôn mang đến những nét mới lạ mà những sản phẩm đang bán trên thị trường không có được.
Chính vì vậy bạn rất dễ nhận thấy nó luôn có các bảng so sánh các tính năng vượt trội hơn hẳn so với các sản phẩm hiện có khác.
Rất ít sản phẩm sau khi kết thúc dự án sẽ được bán ở VN vì vậy nó luôn là những sản phẩm có một không hai mà bạn sở hữu.

Giá rẻ
Bạn đóng vai trò là người đầu tư nên bạn được ưu đãi nhận được một cái giá rất rẻ, nó thường gọi là Super Early Bird hay Early Bird (các món Đặt sớm). Nó có thể giảm từ 50% – 80% so với giá chính thức bán ra thị trường (MSRP).
Thậm chí có những sản phẩm trước khi chính thức mở gây quỹ còn thông báo trước cho khách hàng các gói siêu rẻ không tưởng gọi là “secret perk” giới hạn chỉ khoảng vài trăm đến 1000 người mà thôi. Mình cũng may mắn “săn” được vài sản phẩm như vậy.

Biến ước mơ thành hiện thực
Khi tham gia gây quỹ là bạn đang giúp đỡ để biến các sản phẩm hay những mơ ước thành hiện thực, có rất nhiều dự án từ thiện trên đó. Nếu không có sự giúp sức của bạn nói riêng hay cộng đồng nói chung thì những ý tưởng sản phẩm hay chiến ủng hộ đó mãi mãi chỉ nằm trong giấy vẽ hay trong trí tưởng tượng mà thôi. Chính bạn là người mang đến cho cuộc sống chúng ta những điều tuyệt vời nhất và làm cuộc sống chúng ta trở nên tốt hơn.

Bạn mất gì khi tham gia gây quỹ
Bạn có thể sẽ không bao giờ nhận được sản phẩm
Khi bạn muốn đóng góp gây quỹ cho một dự án nào đó, ở bước thanh toán nó sẽ luôn có một cảnh báo nhỏ dạng như: Đây không phải là hình thức mua bán trực tiếp và IGG hay KS sẽ không chịu trách nhiệm cho vấn đề gì nếu như chủ dự án không trả sản phẩm cho bạn.
Có thể thấy IGG hay KS chỉ là bên trung gian để tạo nên một nền tảng giúp Chủ dự án và người đầu tư có thể tiếp cận với nhau mà thôi.

Đã có rất nhiều dự án đã gây quỹ thành công nhưng vì một lý do nào đó mà Chủ dự án đã không hoàn thành nghĩa vụ trả sản phẩm cho người đầu tư. Một số dự án thành công nhưng không trả hàng:
https://www.indiegogo.com/projects/skully-ar-1-the-world-s-smartest-motorcycle-helmet/x/13820944#/SKULLY AR-1 The World’s Smartest Motorcycle HelmetTo contact us, please visit http://www.skully.com/support INDIEGOGO.COM
https://www.indiegogo.com/projects/hey-stick-the-world-s-smallest-selfie-stick/x/13820944Hey Stick: The World’s Smallest Selfie StickHey stick is the world’s smallest & most affordable selfie stick. INDIEGOGO.COM
https://www.kickstarter.com/projects/1655017763/cst-01-the-worlds-thinnest-watchCST-01: The World’s Thinnest Watch by Central Standard Timing — Kickstarter KICKSTARTER.COM
https://www.kickstarter.com/project…razor-21st-century-shaving?ref=category_newest
The Skarp Laser Razor: 21st Century Shaving (Suspended) by Skarp Technologies — Kickstarter KICKSTARTER.COM
Sản phẩm nhận được không đúng như miêu tả ban đầu
Không phải tất cả dự án thành công mà bạn đầu tư sản phẩm nhận được đều đúng như miêu tả của nhà sản xuất. Tất cả các sản phẩm được rao trên các trang gây quỹ, họ luôn muốn đưa ra những cái tuyệt vời nhất mà sản phẩm họ có và giấu đi những khuyết điểm của nó.
Vì vậy khi bạn nhận được sản phẩm bạn có thể vui mừng vì mình đã có một sản phẩm hay đột phá hơn những cái khác nhưng đằng sau nó là những điểm chưa tốt mà chủ dự án muốn giấu đi để nhận được sự đầu tư nhiều hơn cho dự án.
Mình trước đây có đầu tư cho một số dự án cũng gặp tình trạng tương tự như con Robot Riley rất tuyệt nhưng Pin thì rất mau hết, hay như Micro Drone xem quảng cáo thì rất hay nhưng khi sử dụng mới thấy thất vọng tràn trề về khả năng điều khiển rất khó cũng như chất lượng hình ảnh mang lại ko như mong đợi, chưa kể cánh quạt rất dễ gãy nữa hiz.
Gần đây có một dự án tên Aria Waterproof Earbugs có những tính năng vượt trội hoàn toàn các tai nghe True wireless ngoài thị trường, cũng là một dự án cho thấy sự thiếu trung thực về tính năng của sản phẩm khi nhiều người nhận hàng sớm đã phản ánh về Thời lượng pin, khả năng chống nước và nhiều thứ khác ko như mong đợi.

Thờigianchờ đợi để nhận hàng có thể dài vô tận
Nếu những ai tham gia các dự án gây quỹ rồi mới thấy cảnh. Bạn muốn đặt hàng và có liền ah, quên nó đi nhé! Họ không bán trên store mà có sẵn hàng muốn là có đâu.
Hầu như các sản phẩm của họ đều phải đợi dự án kết thúc xem số lượng người đầu tư thế nào số lượng bao nhiêu họ mới quyết định đặt bên gia công sản xuất. Vì vậy nếu bạn tham gia Gây quỹ bạn sẽ phải là người “rất kiên nhẫn” đấy.

Có rất ít dự án tuyên bố và ship hàng đúng hẹn như họ hứa hẹn như timeline, có 2 dự án mà mình tham gia gần đây được xem là đúng hẹn và sớm hơn trước khi dự án kết thúc. Dự án 1 Pamu Scroll mất 2.5 tuần ở Đợt 1 trong khi dự án đang diễn ra. Đợt 2 và 3 chậm trễ do dính mùa sale cuối năm). Dự án 2 là Micro Wallet nhận ngay trong tháng họ hứa trả sản phẩm.
Nếu bạn nhận được hàng trong vòng 1 tháng hãy vui vì đó là thời gian được xem là rất nhanh trên các trang gây quỹ. Mình đã từng tham gia nhiều dự án, có dự án thì 3 tháng, 6 tháng, thậm chí có cái 1 năm mới nhận hàng. Đúng là người kiên nhẫn thật ^^. Thà nhận hàng có còn hơn không.
Thực ra đối với các dự án “đàng hoàng” thì họ phụ thuộc rất nhiều vào nơi gia công sản xuất sản phẩm (hầu hết ở TQ), nên việc chậm trễ giao hàng phần lớn là do đối tác không làm đúng tiến độ. Cho nên mỗi khi đến thời điểm giao hàng, bạn có thể sẽ bị trì hoãn thêm 1-3 tháng nữa và họ sẽ luôn cập nhật tình trạng sản phẩm trên tab “Update” của trang để cho mọi người theo dõi.
Bảo hành sản phẩm sẽ rất khó khăn
Khi bạn mua các món hàng trên IGG/KS thì bạn nên xác định rằng bạn đang mua hàng hóa xách tay, nên mọi chế độ bảo hành sản phẩm nếu có hư hỏng sẽ gặp khá nhiều khó khăn.
Mặc dù chỉ là gây quỹ nhưng các chủ dự án “đàng hoàng” họ vẫn hỗ trợ cho bạn nếu sản phẩm có bất cứ lỗi gì miễn là bạn chứng minh cho họ thấy sản phẩm do lỗi sản xuất. Mình từng những gặp sản phẩm lỗi và chỉ cần quay phim chụp ảnh cho họ thấy lỗi là họ sẵn sàng đổi cho mình cái mới mà ko cần phải gởi trả hàng.
Những sản phẩm khác có thể có những cách khác nhau khi xử lý vấn đề lỗi sản phẩm nhưng bạn sẽ gặp nhiều khó khăn liên hệ hỗ trợ bên nhà sản xuất.

Mất niềm tin vào cuộc sống bởi những dự án lừa lọc (scam)
Cuộc sống đâu phải chỉ toàn hoa hồng, đâu phải ở đâu bạn cũng gặp được người lương thiện và trên IGG và KS cũng vậy.
Khi nhìn vào một dự án bạn rất dễ bị mê hoặc bởi những thông số trong mơ mà sản phẩm đưa ra với mức giá rẻ đến “khó tin”. Nếu không có một sự chuẩn bị và tìm hiểu kỹ càng, bạn rất dễ bị gặp phải những dự án “lưu manh”- lấy tiền rồi không trả sản phẩm.
Đối với những ai nhẹ dạ cả tin rất dễ dính phải những dự án như vậy nhiều lần với số tiền lớn có thể khiến người ấy rơi vào trầm cảm và mất niềm tin vào những điều tốt đẹp của cuộc sống.
Tất nhiên vẫn có rất nhiều dự án tốt trên IGG và KS chẳng qua bạn chưa tìm hiểu kỹ để có thể hạn chế được rủi ro đó!^^ Hay nói vui là do số bạn “đen” thôi.

Làm sao hạn chế được rủi ro khi tham gia gây quỹ?
Càng có được nhiều thông tin từ dự án càng tốt
Khi một dự án được gây quỹ trên IGG hay KS, họ luôn đưa ra những con số rất đẹp cũng như những mục đích rất cao cả (các dự án từ thiện vì người nghèo, người bệnh). Khi bạn nhìn vào sẽ thấy cái giá mà bạn sẽ đâu tư thì “quá hời” cho nó nhưng đằng sau nó luôn có những khuyết điểm mà chủ dự án luôn cố tìm cách để giấu đi.
Vì vậy bạn hãy đọc thật kỹ mọi thông tin mà dự án đưa ra và tìm hiểu thêm nhiều thông tin hơn từ những Bình luận trong phần “Comment”.
Chú ý rằng bạn phải ủng hộ thì mới có thể bình luận nhé, chính vì vậy bạn chỉ có thể tham khảo qua Bình luận của những người đã ủng hộ trước đó. Họ thường hỏi thêm rất nhiều thông tin hữu ích mà chủ dự án thường giấu đi.

Năng lực và kinh nghiệm trên sản phẩm gây quỹ
Bạn có thể nói rằng họ đều là các startup thì lấy đâu ra kinh nghiệm. Nhưng thực tế có rất nhiều startup họ đều là những chuyên gia trong lĩnh vực đó, họ đã từng là những người gia công sản phẩm cho các thương hiệu nổi tiếng khác. Vì muốn tạo dựng một thương hiệu riêng cho bản thân nên họ mới khởi đầu gọi vốn trên IGG hay KS.
Chính vì vậy việc tìm hiểu thật kỹ về Chủ dự án đằng sau sản phẩm đó liệu họ đủ năng lực và kinh nghiệm cho sản phẩm họ đang giới thiệu ko là một phần ko thể thiếu khi quyết định đầu tư.

Họ đã từng gây quỹ thành công lần nào chưa?
Có nhiều startup họ không chỉ gây quỹ một lần mà thậm chí nhiều lần trên các trang Gây quỹ. Vì vậy nếu họ đã gây quỹ thành công trước đó và trao trả sản phẩm đến tay người dùng thì là một điểm cộng về niềm tin để bạn tiếp tục ủng hộ họ cho những sản phẩm kế tiếp.

Đã có sản phẩm mẫu trên tay
Các sản phẩm giới thiệu trên IGG hay KS thường là chỉ là những sản phẩm mẫu và nó có thể sẽ được cải tiến hơn nữa theo từng mức mà số tiền gây quỹ được mở rộng (Stretch goals), thời gian giao hàng có thể tăng lên nếu bổ sung thêm chức năng.
Nếu bạn thấy một dự án nào đó mà sản phẩm đó chủ yếu trên giấy tờ hay bản vẽ thôi thì nên tránh xa . Có một số dự án đã hoàn thành sản phẩm mẫu rất tốt thậm chí họ còn giới thiệu nó ở các hội chợ cộng nghệ lớn như CES, IFA, MWC… cho khách hàng trải nghiệm thử.
Đối với những sản phẩm mẫu như vậy có thể nói gần như chắc chắn bạn sẽ có nó trên tay và có thể nhận được sản phẩm rất nhanh.

Họ cập nhật thông tin dự án thường xuyên ko?
Việc cập nhật thông tin sản phẩm, thời gian giao hàng và quá trình sản xuất sản phẩm thường xuyên cũng sẽ củng cố thêm cho bạn niềm tin vào các dự án đó. Khi đó bạn biết được tiến độ mà sản phẩm đang hoàn tất đến đâu.
Nếu thấy một dự án nào đó mà đã lâu rồi (2-3 tháng) không có một thông tin nào cập nhật hoặc không ai trả lời bình luận những thắc mắc của người ủng hộ dự án thì khả năng dự án đang có vấn đề.

Yêu cầu hoàn tiền liền nếu thấy dấu hiệu không trung thực
Khi bạn ủng hộ một dự án nào đó số tiền của bạn thường sẽ nằm trong tay IGG hay KS chỉ sau khi dự án kết thúc Quỹ đó mới được giao cho chủ dự án.
Trong quá trình gây quỹ nếu bạn phát thiện ra bất cứ điều gì bất thường hoặc thấy thông tin sản phẩm không đúng như bạn mong đợi hãy yêu cầu hoàn tiền ngay lập tức, lúc này người hoàn tiền cho bạn sẽ là IGG hoặc KS nên bạn chắc chắn nhận được lại tiền.

Tuy nhiên khi sản phẩm vào giai đoạn kết thúc dự án và chuẩn bị ship hàng đi thì bạn chỉ còn cách liên hệ với Chủ dự án với bất cứ lý do gì mà bạn thấy không ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm người ta thì có thể may ra họ sẽ hoàn cho bạn. Đa số khi ở giai đoạn này họ sẽ KHÔNG HOÀN TIỀN CHO BẠN ĐÂU.
Ngoài ra bạn còn có thể nhờ sự hỗ trợ của IGG và KS để chấm dứt các dự án có dấu hiệu “lừa đảo”. Họ thường có một bộ phận tên Trust & Safety để hỗ trợ cho các vấn đề này.
Đó là tất cả những gì mình đã trải nghiệm trên các trang Gây quỹ, hy vọng mang đến cho anh em những thông tin bổ ích. Anh em có những kinh nghiệm nào khác chia sẻ thêm cho mọi người nhé!
Theo Tinhte